Mô hình “xương sống” của Hội
Là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, Trà Vinh có dân số trên 1 triệu người, dân tộc Khmer chiếm trên 31% dân số. Toàn tỉnh có hơn 286.000 hộ, có hơn 10.000 hộ nghèo (chiếm 3,56%); trong đó hộ nghèo người dân tộc Khmer là hơn 6.400. Đời sống của người dân chủ yếu bằng nghề nông, ngư nghiệp, mua bán nhỏ và làm thuê với mức thu nhập bình quân còn thấp. Chính vì vậy, tỷ lệ giảm nghèo ở trong hội viên phụ nữ còn chậm và thiếu bền vững, tỷ lệ tái nghèo còn cao.
Xuất phát từ tình hình thực tế của địa phương, Hội LHPN tỉnh Trà Vinh luôn quan tâm thực hiện việc duy trì và nâng cao mô hình tiết kiệm tín dụng. Hiện nay, toàn tỉnh Trà Vinh có 1.877 tổ; trong đó tiết kiệm tín dụng là hơn 1.000 tổ có hơn 23.400 thành viên, 840 tổ góp vốn xay vòng có hơn 13.300 thành viên…); qua đó đã giúp cho gần 43.000 lượt hội viên phụ nữ vay, giúp cho gần 2.000 hộ thoát nghèo.
Song song đó, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã huy động các nguồn vốn từ các ngân hàng, dự án, chương trình trong và ngoài nước cùng với nguồn vốn huy động của phụ nữ thông qua hình thức tiết kiệm tín dụng, hùn vốn xoay vòng.
Theo đánh giá, nhiều năm qua, mô hình tiết kiệm tín dụng là một trong những mô hình mang lại nhiều ý nghĩa, được xem là mô hình “xương sống” của Hội, phát huy được nội lực.
Không chỉ vậy, các thành viên trong tổ tiết kiệm tín dụng đã phát huy tinh thần đoàn kết gắn bó, sẵn sàng tương trợ giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ, đem lại quyền, lợi ích chính đáng cho phụ nữ; góp phần giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, mô hình có ý nghĩa rất lớn đối với chị em là phụ nữ dân tộc Khmer trong việc thực hành tiết kiệm, phát huy tinh thần tương trợ giúp nhau phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần.
Hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng
Theo Hội LHPN tỉnh Trà Vinh, hàng năm, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh tiến hành khảo sát, thống kê phân loại hộ nghèo nói chung và hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ nói riêng để xác định đúng nguyên nhân, có hướng hỗ trợ và tranh thủ các nguồn lực kịp thời nhằm tạo điều kiện hỗ trợ vốn sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt góp phần phát triển kinh tế, tăng thu nhập.
Trên cơ sở rà soát cho thấy, nguyên nhân chính của tình trạng nghèo chủ yếu là do thiếu vốn và thiếu kiến thức của các thành viên. Đối với nhóm nghèo thiếu kiến thức, các cấp Hội phối hợp với các sở ban ngành địa phương tổ chức các lớp tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật, kiến thức quản lý, sử dụng vốn; hỗ trợ hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với đặc điểm thực tế của địa phương.
Trong khi đó, đối với trường hợp nghèo do thiếu vốn, tổ tiết kiệm tín dụng quan tâm vốn tự có, hỗ trợ thành viên vay vốn tiết kiệm tín dụng nhằm tạo điều kiện cho chị em phát triển kinh tế. Ngoài ra, Hội còn chỉ đạo các cơ sở Hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích vận động hội viên phụ nữ tham gia các loại hình tiết kiệm tại tổ phụ nữ hoặc tổ tiết kiệm tại các tổ vay vốn của Ngân hàng chích sách, tiết kiệm trong Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển… góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, thực hiện an sinh xã hội.
Trong thời gian tới, để đảm bảo mô hình hoạt động ngày càng hiệu quả và bền vững, Hội LHPN tỉnh Trà Vinh sẽ triển khai nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo việc lựa chọn thành viên tham gia ban điều hành của tổ đảm bảo có trình độ, uy tín. Đồng thời tăng cường công tác tập huấn, trang bị kiến thức về vận hành sinh hoạt tổ và cách thức ghi chép sổ theo dõi tiền tiết kiệm của tổ.
Bên cạnh đó, các cấp Hội sẽ chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện. Tiến hành sơ kết, tổng kết kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể và cá nhân đã có nhiều thành tích trong quá trình tổ chức thực hiện điều hành và quản lý tốt nguồn tiết kiệm.