Tổ hợp tác làng Xuân được Hội LHPN tỉnh Phú Thọ hỗ trợ thành lập tháng 7/2022 với 10 thành viên là hội viên, phụ nữ xã Xuân Áng (huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ). Từ khi thành lập đến nay, Tổ hợp tác luôn được các cấp Hội và địa phương quan tâm hỗ trợ, các thành viên trong Tổ hợp tác từng bước áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhờ vậy năng suất, chất lượng sản phẩm ngày càng tăng, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống của các thành viên Tổ hợp tác.
Xác định trồng các loại cây rau màu cho thu nhập cao hơn so với trồng lúa, vì vậy các thành viên Tổ hợp tác đã lựa chọn mô hình sản xuất rau, củ, quả sạch để cung cấp cho thị trường như: dưa chuột, bí xanh, bí đỏ, khoai sọ, rau xanh các loại… Trong đó, bí xanh là loại dễ trồng và chăm sóc, tổng thời gian từ lúc gieo trồng cho đến khi bắt đầu được thu hoạch quả là trên 2 tháng.
Những ngày này đang là mùa thu hoạch bí xanh của thành viên Tổ hợp tác làng Xuân. Vụ bí xanh năm nay, các thành viên Tổ hợp tác trồng với diện tích trên 3 ha, trung bình mỗi sào bí cho sản lượng 1,3 đến 1,5 tấn; tính đến thời điểm hiện tại Tổ hợp tác đã thu hoạch được trên 70 tấn bí xanh.
Chị Nguyễn Thị Tươi, tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết, năm nay bí xanh được mùa, được giá, thương lái thu mua tại ruộng với giá thành tương đối cao, trung bình 10.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, thu lãi 13-15 triệu đồng/sào.
“Từ khi chuyển đổi sang trồng cây rau màu, đặc biệt là trồng bí xanh, kinh tế gia đình tôi thay đổi hẳn, trước đây chỉ đủ ăn, bây giờ gia đình tôi đã có của ăn, của để, có điều kiện nuôi dạy con cái học hành tốt hơn. Tôi sẽ tích cực tuyên truyền các chị, em trong Tổ hợp tác và các chị em phụ nữ trong xã, nhân rộng hơn nữa mô hình trồng bí xanh để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống”, chị Tươi nói.
Vụ bí năm nay, gia đình chị Tươi trồng 10 sào bí, đến thời điểm hiện tại đã thu về trên 130 triệu đồng tiền lãi sau khi trừ các khoản chi phí.
Chị Bùi Thị Tuyết, Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Áng cho biết, các thành viên Tổ hợp tác rất nhanh nhạy, mạnh dạn trong việc học hỏi, nghiên cứu áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, canh tác các loại rau màu, đặc biệt là cây bí xanh, vì vậy năng suất, chất lượng năm sau đều cao hơn năm trước. Trong thời gian tới, Hội phụ nữ xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ trong xã tham quan, học tập kinh nghiệm để nhân rộng mô hình trồng bí xanh trên địa xã.