Rời phố về quê
Sinh ra ở miền Tây Nam Bộ, chị Tuyết vào TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp. Tại đây, chị gặp và bén duyên cùng anh Bùi Viết Quang (quê Quảng Ngãi).
Tuy nhiên, lương công nhân của vợ chồng chị vốn eo hẹp, chỉ trên chục triệu đồng/tháng. Trong khi đó, vợ chồng phải thuê nhà trọ cùng chi phí sinh hoạt đắt đỏ, lại thêm gánh nặng nuôi con nhỏ nên cuộc sống càng thêm khó khăn, vất vả. Vợ chồng chị cũng nhiều đêm trăn trở suy nghĩ để tìm một hướng đi mới nhằm nâng cao thu nhập cho gia đình, ổn định cuộc sống. Năm 2016, sau khi bàn bạc, thống nhất vợ chồng chị quyết định về quê chồng thôn Đoàn Kết (xã Tịnh Ấn Đông, TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) lập nghiệp.
Cuộc sống mới ở quê chồng Quảng Ngãi dù có nhiều bỡ ngỡ, nhưng với sự nhạy bén, năng động của bản thân, chị Tuyết đã nhanh chóng thích nghi với cuộc sống nơi đây.
Vốn có tay nghề may trong quãng thời gian làm công ty may ở TP. Hồ Chí Minh, vợ chồng chị quyết định mở cơ sở may nhỏ của gia đình.
Thời gian đầu, chị gặp khó khăn về vốn để đầu tư mua máy, chi phí và trả công thợ. Ngoài số vốn tự có, vốn vay của người thân, anh em họ hàng, chị Tuyết được Hội phụ nữ xã Tịnh Ấn Đông giúp đỡ, kết nối để chị được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội thành phố Quảng Ngãi với số tiền 50 triệu đồng.
Với kinh nghiệm làm nghề may mặc lâu năm, các sản phẩm may mặc của vợ chồng chị Tuyết làm ra đã khẳng định về mặt chất lượng và tạo được uy tín trên thị trường. Hiện nay, xưởng may của chị có diện tích khoảng 100m2 với 15 máy may, tạo việc làm thường xuyên cho 18 công nhân với mức thu nhập bình quân từ 4 – 5 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài những chị em làm tại xưởng, chị còn tạo điều kiện cho nhiều chị em có nhu cầu việc làm nhận hàng của cơ sở chị về may gia công tại nhà, để kiếm thêm thu nhập. Làm công việc này không quá vất vả nhưng đòi hỏi chị em phải khéo léo, tỉ mỉ về tay nghề thì mới có thể gắn bó lâu dài với nghề.
Muốn mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho phụ nữ
Hiện nay, xưởng may của chị Tuyết thực hiện phụ trách công đoạn may hoàn thiện các loại quần áo thời trang. Trong mọi đơn hàng, chị là người trực tiếp giám sát, hướng dẫn chị em may theo dây chuyền, mỗi người thực hiện một công đoạn để hoàn thành sản phẩm. Các sản phẩm quần áo sau khi may xong sẽ được đóng gói, vận chuyển vào các đầu mối nhận hàng ở các chợ và shop bán hàng online ở TP. Hồ Chí Minh.
Là cơ sở may quần áo phục vụ đối tượng bình dân và xuất cho các tổng kho bán hàng online, nên số lượng tiêu thụ ngày càng tăng. Công nhân làm việc tại cơ sở may của chị Tuyết có việc làm ổn định. Sau khi trừ chi phí và trả lương công nhân, gia đình chị Tuyết thu về được khoảng hơn 200 triệu đồng/năm; qua đó giúp chị trả hết nợ Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh và tích góp để có kinh phí mở rộng thêm cơ sở sản xuất.
Về kế hoạch trong thời gian tới, chị Tuyết cho biết nếu có điều kiện sẽ tiếp tục mở rộng xưởng may. Đồng thời, đầu tư thêm máy móc hiện đại hơn để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm nhằm tăng thu nhập nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình cũng như tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho phụ nữ trên địa bàn xã.
Bằng sự nỗ lực của hai vợ chồng chị Tuyết, sau 6 năm về quê sinh sống, cuộc sống của gia đình chị đã ổn định, kinh tế gia đình từng bước đi lên. Con trai đầu vừa thi đậu Đại học tại TP. Hồ Chí Minh và con gái thứ hai hiện đang học lớp 4, trường Tiểu học Tịnh Ấn Đông. Cuộc sống gia đình chị tuy bình dị nhưng rất đầm ấm, hạnh phúc.
Hội LHPN xã Tịnh Ấn Đông cho biết, chị Tuyết là một tấm gương điển hình về đức tính cần cù, sáng tạo, cố gắng tìm tòi trong phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng. Chị cũng là tấm gương phụ nữ luôn nỗ lực phấn đấu, kế thừa xứng đáng truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.