Phải làm việc với những người phiền toái vốn dĩ là một phần của cuộc sống mà ta không thể tránh khỏi. Nhưng ta cũng không cần phải cố tỏ ra vui vẻ và chịu đựng mọi căng thẳng như thể không có lựa chọn nào khác.
Nhìn chung, có 8 loại người phiền toái điển hình mà bất cứ ai trong chúng ta cũng đã, đang và sẽ tiếp xúc trong cuộc đời làm việc. Và bước đầu tiên để đối phó hiệu quả với những đồng nghiệp khó chịu này là biết chính xác họ là những người như thế nào.
Vậy 8 kiểu người “khó nhằn” đó là những ai?
1. Người gây hấn thụ động
Đây chắc chắn là loại người tệ nhất trong danh sách này, vì là nhóm phổ biến nhất. Họ sẽ tỏ ra tuân theo nhu cầu của người khác, nhưng sau đó sẽ phản kháng một cách thụ động. Hoặc họ có thể sử dụng các phương pháp gián tiếp khác để bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc, vì vậy ta không bao giờ biết rõ ý định của họ là gì.
Gây hấn thụ động là một trong những hành vi khó chịu nhất ở các văn phòng làm việc, vì hành vi này rất khó để khắc phục và sửa chữa.
Nhưng có một số mẹo mà ta có thể sử dụng để đồng nghiệp tương tác một cách hiệu quả và đơn giản hơn.
Chúng ta vốn không thể hiểu hết những gì đồng nghiệp muốn. Nhưng hãy dành thời gian để suy nghĩ về những lời giải thích khả thi. Hãy đánh giá mối quan tâm của người kia. Họ quan tâm đến điều gì? Họ muốn đạt được điều gì?
Sau đó, hãy thử cái gọi là “kiểm tra giả thuyết”, bằng cách đặt câu hỏi – một cách tôn trọng và không phán xét – về những gì đang xảy ra. Chẳng hạn như: “Tôi thấy anh đã không trả lời email của tôi. Có vấn đề gì xảy ra không?”.
Hãy luôn bám theo sự thật – những điều mà ta biết chắc – không cảm tính hoặc phóng đại.
Ví dụ, nếu một người có hành vi gây hấn thụ động không chịu tham gia các cuộc họp, không chịu trả lời email, hãy bắt đầu bằng cách trò chuyện nhẹ nhàng như sau: “Anh/chị nói rằng muốn giúp đỡ dự án này, nhưng lại chưa tham gia cuộc họp chung nào cả. Anh/chị cũng không trả lời email tôi đã gửi tuần trước.”
Sau đó, giải thích hành động của họ đã ảnh hưởng đến ta như thế nào: “Tôi thất vọng và căng thẳng vì không thể tự mình làm tất cả công việc, và tôi đã hy vọng có sự giúp đỡ của anh/chị”.
2. Người thích bới lông tìm vết
Đây có thể là một người quản lý vi mô, liên tục dồn ta vào chân tường với những xoi mói, chỉ trích. Hoặc có thể là một người hơi hoang tưởng muốn can thiệp vào mọi việc, khiến ta hoang mang về những gì mình đang làm. Loại người này thậm chí có thể cố ý gây tổn hại tới sự nghiệp của ta, nếu họ coi ta là một mối đe dọa.
3. Người bi quan
Loại người này chỉ biết nghĩ đến tất cả những khả năng thất bại của một công việc. Có vẻ như họ không bao giờ có thể tìm thấy điều gì tích cực để nói ra.
4. Người coi mình là nạn nhân
Đây là một kiểu người bi quan, luôn cảm thấy như những người xung quanh muốn lợi dụng hay bắt nạt họ. Họ không chịu trách nhiệm về hành động của mình, và sẽ nhanh chóng đẩy trách nhiệm về phía người khác khi mọi thứ diễn ra không như ý muốn.
5. Người luôn tỏ ra biết tuốt
Loại người này luôn tin rằng họ là thông minh nhất trong tập thể, ở vị thế cao hơn và sẵn sàng gây gián đoạn cho người khác. Họ vẫn hồn nhiên rao giảng với ta về những điều gì là đúng, trong khi họ sai rõ ràng.
6. Người thích hành hạ người khác
Là loại người đã tìm được con đường đến đỉnh cao, sẵn sàng hy sinh dọc theo con đường đó – chỉ để dẫm lên vai những người khác bên dưới. Họ có thể là một đồng nghiệp cấp cao, như một người cố vấn, nhưng thay vì giúp ích, họ sẽ khiến cuộc sống của ta trở nên khốn khổ.
7. Người gây thành kiến
Là loại người cố ý hoặc vô tình phạm vào các phân biệt đối xử nhỏ nhặt hàng ngày. Bất kể ý định của họ là gì, thì hành vi của họ cũng là không phù hợp và có hại.
8. Người quá nhiều tham vọng
Là loại người chỉ tập trung vào việc thúc đẩy sự nghiệp của chính họ – nhưng bằng công sức, hi sinh của người khác. Tất nhiên, việc đấu đá quyền lực ở nơi làm việc thường không thể tránh khỏi, nhưng những người này sẽ cố gắng vượt lên trước và nắm thời cơ về phía mình.