Liên tục chậm trễ công bố thông tin, cổ phiếu IBC bị huỷ niêm yết, dàn lãnh đạo đồng loạt từ nhiệm
Theo thông tin được CTCP Apax Holdings công bố, 3 thành viên HĐQT vừa có đơn từ nhiệm là ông Quách Mạnh Hào, Nguyễn Minh Chính và Nguyễn Trọng Quỳnh, đều với lý do cá nhân. Trong đó, ông Quách Mạnh Hào đã có đơn từ nhiệm từ ngày 6/11.
Như vậy, HĐQT IBC sẽ chỉ còn 2 người là Chủ tịch Nguyễn Ngọc Thủy và một thành viên là ông Nguyễn Ngọc Khánh.
Các thành viên HĐQT đồng thời rời khỏi Apax Holdings trong bối cảnh Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) ngày 22/11 đã có thông báo về việc hủy bỏ niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu IBC của CTCP Đầu tư Apax Holdings.
Nguyên nhân là từ khi bị đình chỉ giao dịch đến nay, các vi phạm công bố thông tin của Apax Holdings chưa được khắc phục. Doanh nghiệp này vẫn chưa công bố nhiều văn bản gồm báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, báo cáo tài chính quý I và quý II, báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023 và báo cáo quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2023. Ngoài ra, Apax Holdings còn chưa tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2023.
Trước đó, IBC đã bị HoSE đưa vào diện theo dõi gồm đình chỉ giao dịch, kiểm soát và cảnh báo. Kể từ khi bị đình chỉ giao dịch đến nay, công ty chưa khắc phục các vi phạm công bố thông tin kể trên. HoSE cho rằng doanh nghiệp này có khả năng tiếp tục vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông.
Apax Holdings là công ty con duy nhất đang niêm yết trên sàn chứng khoán thuộc Egroup – hệ sinh thái giáo dục của ông Nguyễn Ngọc Thủy. Công ty này đứng sau Apax Leaders, mầm non Igarten, trường liên cấp Firbank Australia…. Sau nhiều đợt bị bán giải chấp, hiện Egroup mất quyền công ty mẹ khi tỷ lệ sở hữu tại Apax Holdings giảm về mức 17,66%. Tuy nhiên, ông Thủy vẫn đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Từ khi bị đình chỉ giao dịch vào ngày 18/9, IBC có thị giá 1.770 đồng một đơn vị. Mức này được thiết lập sau 5 phiên nằm sàn liên tiếp. Mã chứng khoán Apax Holdings rớt giá mạnh so với mức 12.550 đồng cuối tháng 11. Thời gian trước, cổ phiếu này cũng liên tục bị bán tháo, các công ty chứng khoán cũng thường xuyên bị bán giải chấp.
“Mắc kẹt” vì tăng trưởng nóng và bất động sản
Từng là hệ thống dạy tiếng Anh lớn tại Việt Nam, các trung tâm Apax English/Apax Leaders được mở ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Theo giới thiệu, vào thời điểm “hoàng kim”, hệ thống này có hơn 120 trung tâm trên toàn quốc với thương hiệu Apax Leaders, trải rộng tại hơn 30 tỉnh thành với khoảng hơn 120.000 học viên theo học.Doanh thu vượt mốc 1.000 tỷ đồng vào năm 2018 và tăng gấp đôi lên 2.000 tỷ đồng một thời gian ngắn sau đó.
Tuy nhiên, dịch Covid 19 đến đã khiến mọi thứ bị ngưng trệ. Trong một cuộc trao đổi trực tiếp tại VietNamNet, chính ông Nguyễn Ngọc Thủy thừa nhận Apax English đã phát triển quá nóng. Từ giữa 2019, ông có kế hoạch giảm chi phí vay, tái cấu trúc từ vay nợ sang gọi vốn và tiếp xúc các quỹ đầu tư và gọi vốn vào 2020. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 xảy ra và kế hoạch đó cũng bị thay đổi.
Ông Thủy cho biết, khi trên đà chiến thắng, doanh nghiệp đã đi khá nhanh và gặp cú vấp khá lớn vào năm 2019. Đây cũng là khoảng thời gian, Egroup mở thêm nhiều trung tâm Anh ngữ nhất, hoạt động thời gian rất ngắn mà phải đóng cửa. Có khoảng thời gian, doanh nghiệp tổn thất gần 1.000 tỷ đồng trong 6 tháng. Chi phí lãi vay, chi phí tài chính khiến doanh nghiệp “vô cùng vất vả”.
Cùng đó, Apax Holdings của Shark Thủy thêm phần khó khi lấn sân sang bất động sản. Thị trường bất động sản trầm lắng và gần như đóng băng kể từ năm 2022 cho tới nay đã đẩy không ít doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất thanh khoản.
Dù vậy, Shark Thủy vẫn có ý định Apax Leaders lên sàn chứng khoán. Ông Thủy khẳng định Apax Leaders nhất định khôi phục hoạt động kinh doanh tại TP HCM. Trong buổi gặp cổ đông mới đây, vị Chủ tịch này cho biết sau thời gian tái cấu trúc hậu khủng hoảng, chuỗi này đang có 38 trung tâm, chủ yếu ở miền Bắc. Công ty ghi nhận hơn 11.000 học sinh, nhưng có đến 10.000 người thuộc dạng đã đóng tiền trước đó, nên doanh thu ghi nhận mới chưa cao.